Các bước để sinh viên xây dựng hồ sơ LinkedIn đẹp trên mạng, thực ngoài đời
Trau dồi để tự tin thêm "gạch đầu dòng" về bản thân
Hiện nay, sinh viên trước khi ra trường chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội để thu hút nhà tuyển dụng, cụ thể là tạo hồ sơ trực tuyến trên nền tảng LinkedIn. Tăng trưởng mạnh từ năm 2020, LinkedIn là "cầu nối" giữa người tìm việc và các doanh nghiệp khi 95% nhà tuyển dụng và chuyên gia sử dụng nền tảng này để tìm kiếm ứng viên, theo Forbes.
Nhờ xây dựng hồ sơ LinkedIn ngay trên ghế nhà trường, không ít sinh viên rút ra bài học về thương hiệu cá nhân, đồng thời "nâng cấp" bản thân ngoài đời để tạo ra giá trị thực.
Chẳng hạn, Mai Thị Thanh Huyền (23 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Greenwich Việt Nam) bắt tay vào xây dựng hồ sơ LinkedIn từ năm 3 ĐH và xem đây là bảng tổng kết hành trình phát triển bản thân. Dựa vào hồ sơ, Huyền có thể bao quát những điểm còn thiếu hoặc so sánh kỹ năng hiện tại với yêu cầu công việc nhằm điều chỉnh cho phù hợp. Kết quả là Thanh Huyền đã nhận được nhiều lời mời hợp tác từ nhà tuyển dụng vào thời điểm đó.
Hiện là chuyên viên sáng tạo nội dung tại công ty Wolffun (TP.HCM), Thanh Huyền cho rằng sinh viên nên chắt lọc thông tin liên quan đến vị trí ứng tuyển như kỹ năng, kinh nghiệm làm việc…, thay vì cố gắng "show" quá nhiều thứ trong hồ sơ.
Thanh Huyền (bên trái) chủ động xây dựng LinkedIn từ trên ghế nhà trường. NVCC
Tương tự, việc xây dựng hồ sơ LinkedIn từ những năm đại học đòi hỏi Lê Anh Hoàng (cựu sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) trau dồi ngoại ngữ, thực tập sớm để có kinh nghiệm "bỏ vào" hồ sơ cũng như tham gia các khóa học cấp chứng chỉ trên LinkedIn.
Ngoài cải thiện trình độ tiếng Anh, Đoàn Duy Tân (sinh viên năm 4, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Trường ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) tham gia dự án học tập, trải nghiệm để tăng sự tự tin khi thêm những "gạch đầu dòng" về bản thân vào hồ sơ trực tuyến. Nhờ hồ sơ được cập nhật qua từng năm, Tân đã tìm thấy một số cơ hội thực tập, kết nối với giáo sư từ nhiều nơi để trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong thời gian thực hiện đề tài ở trường.
Theo Duy Tân, sinh viên nên trau dồi và gặt hái thành tựu nhất định trước khi xây dựng hồ sơ, đồng thời sắp xếp thông tin một cách trực quan với bố cục rõ ràng để tránh "loãng".
Còn với Trần Lý Phương Hoa (sinh viên năm 3, ngành quản trị lữ hành, ĐH Kinh tế TP.HCM), việc xây dựng hồ sơ LinkedIn là động lực để nữ sinh viên hoàn thành mọi hoạt động chỉn chu và gặt hái thành tích cho hồ sơ trực tuyến. "Bộ hồ sơ được ví như trang nhật ký ghi lại trải nghiệm của mỗi người, đồng thời thể hiện bản sắc cá nhân để mọi người xung quanh và chính mình không lãng quên mình", Hoa bày tỏ.
LinkedIn là công cụ hỗ trợ xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng. SHUTTERSTOCK
Tập trung vào 3 giai đoạn khi xây dựng hồ sơ
Là một chuyên gia LinkedIn với hơn 53.000 người theo dõi, Adele Doan (tên thật là Doãn Thị Đoan), nhà sáng lập CareerLab, đơn vị tư vấn về phát triển sự nghiệp dành cho chuyên gia và người đi làm, đánh giá nền tảng này mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển sự nghiệp của sinh viên khi ra trường. Từ các trường hợp trên, chị nhận thấy sinh viên tạo ra làn sóng tích cực trên LinkedIn, góp phần xây dựng môi trường tìm việc làm chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
Qua đó, sinh viên có cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng, gia tăng lợi thế cạnh tranh khi ứng tuyển, đồng thời kết nối và học hỏi cùng các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, sinh viên có thể nắm tổng quan thị trường lao động, cập nhật kiến thức chuyên môn và định hình lộ trình phát triển sự nghiệp theo kỹ năng hiện có.
Trần Lý Phương Hoa, sinh viên năm 3, ngành quản trị lữ hành, ĐH Kinh tế TP.HCM, (bên trái) tham gia nhiều hoạt động để làm đẹp hồ sơ LinkedIn. NVCC
Từ đây, cô Adele gợi ý, sinh viên nên tập trung vào 3 giai đoạn trước, trong và sau khi xây dựng hồ sơ để có bộ hồ sơ chỉn chu, ấn tượng.
Trước hết, sinh viên hiểu cách hoạt động của nền tảng LinkedIn, sử dụng thành thạo các tính năng như cập nhật hồ sơ, đăng bài, tìm kiếm thông tin…
Tiếp đến, sinh viên cần xác định mục tiêu xây dựng hồ sơ, đối tượng hướng đến và kết quả muốn đạt được, đồng thời trang bị kiến thức để tối ưu hóa từng đầu mục trong hồ sơ.
Cuối cùng, cô Adele gợi ý sử dụng hồ sơ để kết nối với chuyên gia, theo dõi nguồn thông tin hữu ích, tương tác với các hồ sơ khác cùng lĩnh vực và đo lường hiệu quả của hồ sơ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Sau khi ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng với bộ hồ sơ ấn tượng, cô Adele cho rằng sinh viên cần thể hiện tốt ngoài đời thực để chứng minh thông tin ghi trong hồ sơ là chính xác. "Hồ sơ LinkedIn giúp thể hiện thế mạnh, năng lực của ứng viên nhưng bản thân người đó trước hết phải có thế mạnh, năng lực ấy", cô Adele nói.
Theo Như Mai/Thanh niên
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-