Có ước mơ rồi, thì sao nữa?
Mới đây, hãng phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ, Walt Disney vừa phát hành bộ phim hoạt hình Wish kể về sức mạnh niềm tin của những ước mơ, là một ví dụ. Những ước mơ của người dân ở vương quốc Rosas bị chiếm đoạt và nỗ lực giành lại chúng là mạch chính xuyên suốt bộ phim. Đây cũng chính là thông điệp mang ý nghĩa vô cùng lớn, ước mơ của mỗi người không nên mất đi. Vì tác động của trí tưởng tượng đối với con người rất lớn, thậm chí lớn hơn cả lý trí và sự quyết tâm. Chỉ là sự điều khiển trí tưởng tượng cần được rèn luyện để mục tiêu hiện thực ước mơ luôn được củng cố.
Mơ mộng ý thức
Vì sao một sinh viên tỏ ra lo lắng khi được giao nhiệm vụ trình bày bài thuyết trình trước lớp. Thiếu kỹ năng nói trước đám đông có phải là nguyên nhân dẫn đến sự lo lắng này. Điều này đúng nhưng chưa là nguyên nhân gốc rễ cho câu hỏi này. Theo nhà tâm lý học người Áo, Sigmund Freud, niềm tin được tạo ra bởi một phần tiềm thức hình thành trong những trải nghiệm của quá khứ. Và điều này đúng cho đến khi chúng bị thay thế bởi một niềm tin mới, được tạo ra bởi một trải nghiệm mới.
Nhưng, tiềm thức tồn tại không kiểm soát trong tâm trí con người. Nên, nó có thể gợi lại cả những tiềm thức tích cực và tiêu cực trong ta, điều này củng cố niềm tin tích cực hoặc tiêu cực. Tâm hồn “nở hoa” hay đầy rẫy những vết sẹo, bắt đầu từ đây. Do đó, nếu một sinh viên tỏ ra sợ hãi khi nói trước đám đông có nghĩa trong quá khứ, một trải nghiệm tồi tệ nào đó về việc trình bày trước nhiều người có thể đã xảy ra. Tiềm thức giải mã những hình ảnh tồi tệ này và củng cố niềm tin tiêu cực rằng bạn ấy không thể thực hiện được.
Đây là sự điều khiển trí tưởng tượng không kiểm soát, được gọi là mơ mộng vô thức. Ở đó, sự mơ mộng không có chủ đích, phụ thuộc hoàn toàn vào vô thức.
Tuy nhiên, tiềm thức không phân biệt được những trải nghiệm có thật và tưởng tượng. Vì thế, thay vì lo lắng, sợ hãi, hãy tưởng tượng rằng bản thân có thể làm được bằng cách dành 15 – 30 phút mỗi ngày để luyện nói, góp phần tăng trải nghiệm mới cho bản thân. Dần dà niềm tin mới hình thành, bạn sinh viên trở nên tự tin hơn, niềm tin tích cực dần được củng cố.
Đây là cách điều khiển trí tưởng tượng có mục đích hay còn gọi là sự mơ mộng ý thức. Mơ mộng ý thức là hình dung hóa những điều không tồn tại một cách có kế hoạch, khơi gợi tiềm thức tin những điều tưởng tượng là sự thật. Và điều đó trở thành động lực để nỗ lực hơn. Trong trường hợp lúc nãy, lần đầu bạn sinh viên thuyết trình có thể sẽ gặp khó khăn vì thiếu trải nghiệm. Nhưng trong những lần tiếp theo, động lực mạnh mẽ được củng cố từ tiềm thức tích cực, giúp bạn ấy dần trau dồi kỹ năng và tiến đến việc hiện thực hóa mục tiêu nói trước công chúng.
Mục tiêu “chắp cánh” ước mơ
Nếu ước mơ là những mong muốn dừng lại trong suy nghĩ, thì mục tiêu là những hành động thực tế để đạt được điều mong muốn. Vậy, làm sao để thiết lập mục tiêu “chắp cánh” cho ước mơ. Công thức SMART là nguyên tắc thiết lập mục tiêu quen thuộc có thể tham khảo. Nó tập hợp những chữ viết tắt của các tiêu chí như: S (Specific) - Cụ thể, M (Measurable) - Đo lường được, A (Attainable) - Khả thi, R (Realistic) - Thực tế, T (Time-bound) - Thời hạn.
Tuy nhiên, dựa trên mô hình SMART và một số tiêu chí bổ sung khác, nhà tâm lý học người Mỹ, Edwin A.Locke đã tiên phong xây dựng lý thuyết thiết lập mục tiêu Locke từ năm 1960 nhưng lý thuyết này vẫn được sử dụng phổ biến cho đến nay. Nguyên tắc xác định mục tiêu Locke gồm các tiêu chí: rõ ràng (Clarity), thử thách (Challenge), cam kết (Commitment), phản hồi (Feedback) và mức độ phức tạp (Complexity).
Theo đó, mục tiêu đưa ra cần rõ ràng về thời hạn, cụ thể chứ không mơ hồ và đảm bảo có thể đo lường được. Mục tiêu rõ ràng gắn liền với yếu tố vô cùng quan trọng khác là tính thử thách. Tính thử thách của nhiệm vụ yêu cầu người thực hiện cần nỗ lực không ngừng, giúp hình thành động lực trong suốt quá trình hiện thực mục tiêu. Nếu mục tiêu quá dễ dàng, người thực hiện sẽ cảm thấy nhàm chán, tự đắc, dần dà mất dần ý chí phấn đấu.
Ngoài ra, tính thử thách của mục tiêu cần liên quan đến tầm nhìn chung để tránh lãng phí thời gian vào những điều chưa được ưu tiên. Bên cạnh đó, mục tiêu càng khó, mức độ cam kết càng cao. Những cam kết đòi hỏi người thực hiện phải tuân thủ để vượt qua những thử thách phía trước. Nếu mục tiêu được thiết lập hướng đến lợi ích chung của một tổ chức, một tập thể thì những cam kết còn xuất phát từ sự phù hợp giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung.
Điều này có nghĩa, mỗi thành viên nỗ lực đạt được mục tiêu chung đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu riêng. Lúc này, sự cam kết về sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng mục tiêu chung sẽ hình thành. Bên cạnh đó, phản hồi đúng lúc, phù hợp giúp người thực hiện đo lường được hiệu quả của quá trình. Đó là những bản báo cáo tiến độ công việc và hiệu quả đạt được. Phản hồi này là thông tin quan trọng quyết định nên thay đổi hay bổ sung điều gì nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Sau cùng, việc đánh giá mức độ phức tạp của công việc hay nhiệm vụ cũng chính là tiêu chí tính khả thi của mục tiêu theo mô hình SMART. Nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực) thực hiện mục tiêu có nằm trong kiểm soát hay vượt quá giới hạn cho phép. Điều này cần được xem xét, tính toán kỹ lưỡng khi xác lập mục tiêu. Nếu mục tiêu phức tạp, hãy chia nhỏ chúng và cần thêm thời gian để thực hành và tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn.
Tử Lăng (Tổng hợp)
Tin cùng chuyên mục
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-