Ngành thuế và cơ hội việc làm trong nền kinh tế số
Thuế - lĩnh vực gần gũi và quan trọng
Thuế là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh hàng ngày của mỗi người dân và doanh nghiệp (DN); do vậy, có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Tại các trường đại học, khi theo học ngành thuế, bên cạnh việc được đào tạo kiến thức cơ bản của khối ngành kinh tế, người học còn được trang bị các kiến thức tổng quát về kinh tế, như: kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, các học thuyết về kinh tế hay ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; được rèn luyện năng lực nghiên cứu lý luận và trải nghiệm kiến thức đã học trong thực tế.
Mục tiêu đào tạo ngành học này là bồi dưỡng ra những người có kiến thức sâu rộng, năng lực tốt, có tinh thần sáng tạo; có lý luận về các phương diện tài chính, thuế vụ và kỹ năng nghiệp vụ tốt; nắm bắt rõ các chính sách thuế, thao tác nghiệp vụ thuế; có đủ năng lực và kỹ năng để đảm nhiệm công việc trong cục thuế, kiểm toán, bộ phận quản lý kinh tế và các DN, tổ chức liên quan đến cơ quan thuế, kế hoạch thuế.
Nhiều sinh viên chọn chuyên ngành thuế vì cơ hội việc làm đa dạng. Ảnh: Quý Minh
Tại Việt Nam, có nhiều trường đại học đào tạo ngành thuế và mỗi trường có định hướng đào tạo khác nhau. Tại Học viện Tài chính, chương trình đào tạo chuyên ngành thuế mang tính chất hiện đại và chuyên sâu. Bên cạnh kiến thức nền tảng của khối ngành kinh tế theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, chương trình của học viện còn có các khối kiến thức hiện đại về quản lý và công nghệ thông tin như: khoa học quản lý, quản lý kinh tế, tin học ứng dụng, internet và thương mại điện tử…
Khi theo học chuyên ngành thuế, những kiến thức chuyên sâu về kế toán và thuế được các trường thiết kế để người học có thể làm tốt công việc quản lý thuế và tư vấn thuế như: nguyên lý kế toán, kế toán tài chính, thuế, thuế thu nhập, thuế tiêu dùng, thuế tài sản và thu khác. Nội dung cụ thể trong các học phần luôn được cập nhật những kiến thức mới nhất của lĩnh vực chuyên ngành.
Để tăng khả năng thực hành, ứng dụng thực tiễn cho sinh viên, các cơ sở đào tạo còn ký kết hợp tác với các đơn vị như: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các DN về kiểm toán, tư vấn thuế…, để hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học; trong đó, hoạt động nổi bật là cho sinh viên đi tìm hiểu thực tế tại cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp. Các nhà trường cũng mời các chuyên gia đến trao đổi, chia sẻ về kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc cho sinh viên thông qua các cuộc giao lưu, tọa đàm.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi tìm hiểu thực tế tại DN để sinh viên trực tiếp trải nghiệm công việc chuyên môn; tạo điều kiện và giới thiệu các sinh viên từ năm thứ ba trở đi đến DN thực tập để các em có cơ hội làm việc, thậm chí được hưởng lương cho công việc chuyên môn mình đảm nhận.
Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo chuyên ngành thuế được cho là có tính ứng dụng cao, kết hợp song song giữa lý thuyết và thực hành, lồng ghép các tình huống thực tế từ DN vào giảng dạy. Trường rất chú trọng và đưa công nghệ thông tin vào chuyên ngành, giúp sinh viên thuần thục trong sử dụng công nghệ, phần mềm chuyên dụng để ứng dụng vào công việc sau này.
Nhà trường cũng quan tâm đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, DN trong cả đào tạo, nghiên cứu và tiếp nhận sinh viên thực tập; điều này góp phần tạo nên những nhân sự chất lượng ngay sau khi tốt nghiệp.
Cơ hội việc làm đa dạng
Các chuyên gia đào tạo khối ngành tài chính - ngân hàng cho biết, nhiều năm qua, thuế luôn là một trong những chuyên ngành hot, số lượng thí sinh đăng ký đông trong khi chỉ tiêu hạn chế nên điểm chuẩn cao.
Trong nền kinh tế số, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ về thuế tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về quản lý thuế, tư vấn thuế, hoạch định thuế và đại lý thuế.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thuế có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng trong lĩnh vực tài chính, kế toán, và thuế, cụ thể như: làm chuyên viên thuế tại các công ty, tập đoàn, hoặc cơ quan nhà nước để quản lý, lập kế hoạch và báo cáo thuế. Công việc này đòi hỏi kiến thức sâu về các quy định, luật pháp liên quan đến thuế, tư vấn thuế, cung cấp dịch vụ tư vấn thuế cho DN và cá nhân, giúp họ tối ưu hóa nghĩa vụ thuế và tuân thủ các quy định pháp luật.
Cử nhân sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thuế cũng có thể trở thành kiểm toán thuế làm việc tại các công ty kiểm toán, kiểm tra và xác nhận tính hợp lý và hợp pháp của các báo cáo thuế, phát hiện các sai sót hoặc gian lận; nhân viên thuế tại cơ quan thuế, làm việc tại các cơ quan thuế nhà nước, thực hiện các công việc liên quan đến quản lý thuế, kiểm tra và giám sát thuế.
Ngoài ra, sinh viên ra trường có thể làm công việc thiên về học thuật, nghiên cứu như giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, hoặc nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu về thuế và các lĩnh vực liên quan. Về thu nhập, nhân sự ngành thuế thường được trả mức lương cao so với mặt bằng chung.
Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên học chuyên ngành thuế, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, cho hay, sau khi ra trường các em có thể làm các công việc như: chuyên gia tài chính DN, làm các công việc chuyên môn tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, cơ quan tài chính các cấp; kế toán DN.
Tuy nhiên, để hoàn thành tốt công việc, ngoài kiến thức và kỹ năng được đào tạo và rèn luyện trong chương trình đào tạo chính khóa, các chuyên gia cho rằng, sinh viên cần có phương pháp học tập linh hoạt, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tổ chức sự kiện, thuyết trình, xử lý tình huống, soạn thảo văn bản, sử dụng thiết bị thông tin hiện đại, giao tiếp ứng xử…
Cùng với đó, sinh viên cần bồi đắp hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác có liên quan đến chuyên môn; trau dồi đạo đức nghề nghiệp để luôn có thái độ và hành vi đúng mực.
Trong xu hướng hợp tác quốc tế như hiện nay, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học là điều kiện bắt buộc. Do đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần thiết lập lộ trình học tập bài bản, khoa học, tận dụng thời gian thực hành và tự thực hành để vừa nắm chắc kiến thức chuyên môn vừa biết cách làm việc trong thực tế.
Theo Quý MInh/ Kinh tế & Đô thị
-
THEO DÕI TUYỂN SINHHƯỚNG NGHIỆP
-
TRA CỨU ĐIỂM CHUẨN
-
TRA CỨU NGÀNH HỌC
-
TRẮC NGHIỆM NGÀNH NGHỀ
-
CHỌN TRƯỜNG
-
Mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo các khoa học về toán tại Việt Nam
-
Các trường đại học nằm trong bảng xếp hạng 500 thế giới mới được mở phân hiệu tại Việt Nam
-
Không bốc thăm, giao quyền chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 cho các Sở GD-ĐT
-
Cử tri kiến nghị xét tốt nghiệp thay cho thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT nói gì?
-
Bộ GD - ĐT sửa đổi, bổ sung một số quy định về khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên
-